Hải Trình Ven Bờ Flipbook PDF

Jorge Amado
Author:  t

79 downloads 111 Views 393KB Size

Recommend Stories


HI 93530, HI 93530N, HI 93531, HI 93531N, HI y HI. calibración del medidor y de la sonda a 0 C e iluminación del display
Manual de Instrucciones HI 93530 - HI 93530N HI 93531 - HI 93531N HI 93532 - HI 93532N Estos Instrumentos Cumplen con las Directrices de CE Termóme

Estados de hi percoagulabilidad
Estados de hi percoagulabilidad J. ALVARO CAMACHO D. * INES L. de GOENAGA ** CECILIA N. de BARBUDO *** INTRODUCCION La Hipercoagulabilidad es un tem

Story Transcript

Jorge Amado

Hải Trình Ven Bờ

vietmessenger.com

1

Nhà văn Brazil nổi tiếng Jorge Amado (1912-2001) không có ý định viết hồi ký. Tác phẩm “Hải trình ven bờ” (Navigation de cabotage, 1992) chỉ là những mảnh vụn hồi ức qua nhiều năm được ông ghi lại và quyết định cho công bố với hy vọng đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi “thế nào” và “vì sao”về những sự kiện và con người thế kỷ XX mà ông có dịp chứng kiến và trải qua. Với ông, đó là những điều vui buồn ông đã trải trên hải trình đi sát bờ của chuyến tàu có tên gọi là Cuộc Sống. Ông viết “Tôi vốn không phải sinh ra để thành người nổi tiếng, đừng đo tôi bằng những thước đo “cỡ lớn cỡ nhỏ” - lạy Chúa, tôi không bao giờ cảm thấy mình là một nhà văn nổi tiếng, một cá nhân xuất sắc cả. Tôi chỉ đơn giản là một nhà văn, đơn giản là một cá nhân? Như thế còn ít sao?” Thời gian và địa điểm ở đây là lúc và nơi diễn ra sự việc, chứ không phải chỗ khi ông ghi chép lại. Bản dịch được thực hiện theo bản tiếng Nga của A. Bordanovski đăng trên tạp chí “Văn học nước ngoài” của Nga số 7 năm 1998.

Phần 1 Moskva, 1952 Tháng giêng. Nhiệt độ khoảng hai mươi độ âm, ngoài sân bão tuyết lồng lộn. Tôi và Ilya Ehrenburg 1 vừa được các quan chức cấp cao tiếp tại điện Kremlin và có một cuộc trò chuyện hết sức khó chịu với họ. Khỏi cần dài dòng, tôi chỉ xin nói rằng đây là chuyện về nhà văn Tiệp Khắc Zavis Kalandra 2 - vì việc của ông này mà tôi đi từ Praha đến Moskva, tiện thể cũng nói là tôi đến đây còn để nhận giải thưởng quốc tế Stalin vì sự củng cố hoà bình giữa các dân tộc. Chúng tôi quay trở về nhà trong cảnh im lặng ảm đạm, đi vào căn hộ của Ehrenburg nằm trên phố Gorki, uống vodka, và đột nhiên Ilya bảo tôi: - Jorge, tôi và anh đừng bao giờ viết hồi ký cả. Chúng ta biết quá nhiều điều. Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện vừa xảy ra với các đồng chí có trách nhiệm và gật đầu đồng ý. Thế nhưng sự quả quyết ấy không ngăn tác giả Thời hửng ấm mấy năm sau đó, khi bức tường chính sách ngu dân Xô-viết có những kẽ nứt đầu tiên và trong ngục tối ánh lên tia sáng hy vọng mong manh, đã cho xuất bản mấy tập hồi ký của mình, trong đó ở những trang cuối vợ chồng Amado có được xuất hiện với những dòng đầy thiện cảm. Tuy nhiên không phải mọi điều đã được đưa hết vào sách: năm 1988 con gái Ehrenburg kể với tôi rằng khi sắp xếp lại kho lưu trữ của bố, cô nhận thấy còn tài liệu cho mấy tập nữa. Nhưng Ilya không thể in chúng ra được, ngay cả vào thời tự do của Khrushchev - ông quả thật biết quá nhiều!

2

Còn tôi suốt cả cuộc đời dài của mình cũng đã biết không ít chuyện mà tôi đã thề là sẽ mang theo xuống mồ. Tôi biết những nguyên nhân và hậu quả của các vụ việc và sự kiện mà tôi không hé răng nửa lời. Sở dĩ tôi biết được chúng bởi vì tôi là đảng viên cốt cán của một đảng chính trị tổ chức theo kiểu quân sự, hoạt động hết sức bí mật và không từ các hành động phá hoại. Từ bấy đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi đã thôi là cốt cán từ lâu, bao nhiêu chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra cho một học thuyết, một hệ thống, nhưng cho đến nay tôi vẫn coi mình bị ràng buộc bởi lời hứa giữ kín những gì tôi biết được nhờ vị trí của mình trong đảng. Ngay dù cho nếu tôi vi phạm cũng không gây hại cho ai, còn các bí mật không có chút ý nghĩa nào, tôi vẫn không cho phép mình quyền được phá hủy một lời đã hứa để nói ra... Nói ra công khai những điều tôi phải giữ kín. Rõ ràng, những bí mật đó sẽ cùng theo tôi chết đi. ° Milan, 1949 Tại chính trung tâm Milan, trong khu bán hàng, Zélia (vợ của J.Amado - ND) đột nhiên kêu lên mừng rỡ, tay chỉ cho tôi vào tủ kính quầy sách: - Anh nhìn kìa! Tôi đưa mắt nhìn và thấy bản in cuốn Miền đất bao la của tôi với bìa sặc sỡ theo phiên bản đồ gốm của Picasso. Ðây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi dịch sang tiếng Italia. - Lại cả biểu ngữ nữa! - Zélia hân hoan. Nói chung đó không phải là biểu ngữ mà là một tấm bìa các-tông hình chữ nhật đề dòng chữ về tác giả: “Il piu noto scrittore Braziliano” (tiếng Italia: Nhà văn Brazil nổi tiếng nhất). Zélia đọc to lên dòng chữ đó và chúng tôi hơi ưỡn người, bước đi tiếp. Lúc sau chúng tôi đứng trước một tủ kính quầy sách khác và đưa mắt tìm xem có cuốn Miền đất không. Nhưng lần này bày ở đấy là cuốn tiểu thuyết của Erico Verissimo Hãy nhìn những cánh đồng hoa huệ, nếu tôi nhớ không nhầm. Và cũng có một tấm bìa viết rằng tác giả “Il piu noto scrittore Braziliano”. Tôi và Zélia phá lên cười và không đi ưỡn người nữa. Ghé vào một kiốt ở góc phố, tôi mua một tấm bưu thiếp cùng tem và viết mấy chữ sau đây gửi về Porto Alegr cho Erico Verissimo: “Chỉ trong khoảng năm phút và hai mươi mét tôi là “il piu noto”, sau đó tôi trao toàn quyền lại cho anh”. ° Rio-de-Janeiro, 1947 Tôi không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại rằng trí nhớ của tôi rất tồi, nhất là về mặt ngày tháng. Làm sao anh nhớ được chúng? Mỗi tình tiết tôi viết ra đều nhất thiết phải hỏi người nhà - các người có nhớ không? Họ nhớ, họ nhớ hết cả, nhưng mỗi người nhớ theo cách của mình. Còn ngày tháng năm thì không

3

ai có thể nhớ chính xác được cả, và họ càng trả lời chắc chắn - khi đó, khi đó - thì tôi càng biết chắc là họ đã nhầm. Nhưng tôi chưa thấm gì với Nicolás Guillén 3 - trong các hồi ký của mình ông nhầm lẫn lung tung hết mọi chuyện: ông quên địa điểm và thời gian, sự kiện và chi tiết. Chẳng hạn ông viết là chúng tôi quen biết nhau ở Paris năm 1949, trong khi cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi diễn ra hai năm trước đó ở Rio. Ông quên cuộc đọc thơ của mình tại Hiệp hội báo chí Brazil và tôi đã giới thiệu ông với công chúng như thế nào - đó là đúng vào cái ngày và cái giờ khi đứa con đầu của tôi Joan Jorge ra đời. Chính nhà thơ Cuba ấy là người đầu tiên tới thăm người mẹ trẻ và đứa bé mới ra đời. Ông vừa mới đọc xong bài thơ “Tổ quốc tôi là cây mía...”, thính giả đang còn vỗ tay, chúng tôi đã lao ra taxi chạy tới bệnh viện. Nicolás đến Brazil mấy lần - cả trước và sau cuộc cách mạng của Fidel - và lần nào cũng đều đáng nhớ: ông rất biết cách thu hút mọi người. Thơ ông chinh phục mọi thính giả, còn con người ông, tươi cười có bộ râu quai nón chải chuốt thì hút hồn các thính giả nữ. Maria-Nimfomanka giới thiệu ông với các cô bạn: này các cô, cái ông Cuba này là một con thú thực sự đấy, ông ta không bỏ lỡ cơ hội của mình đâu. Quảng cáo, như ai cũng biết, là động cơ của thương mại, thế là đám cử toạ qua các cuộc đọc thơ của ông ngày càng đông hơn, Nicolás đi đến đâu cũng nhận được tiếng reo hò của những người hâm mộ. Vốn là người hiếu danh, ông coi mỗi cuộc tình dan díu, dù chỉ là thoáng qua, đều như một đam mê số phận. - Maria-Blondinka hoàn toàn điên lên vì tớ, cậu ạ. Cô ta yêu tớ một cách cuồng nhiệt! - ông nói với tôi đầy vẻ tự hào chính đáng, cho đó là việc không thể nào khác được, nhưng lập tức ông lại hoài nghi. - Cậu nghĩ sao: đó là cô ta yêu tớ, gã đàn ông Nicolás, hay là yêu nhà thơ Guillén và danh vọng của ông ta? Cậu thấy thế nào? - nỗi hoài nghi giày vò ông và ông đòi tôi cho biết sự thật. Khắp nơi - Rio, Praha, Paris, La Havana - đâu đâu tôi cũng gặp ông đi với hết cô tóc vàng này đến cô tóc vàng khác (rõ ràng ông thích “típ” này, coi đó là mối tình chủ yếu nếu không nói là duy nhất, chỉ trừ ngoại lệ với vợ mình là Rosa, cô gái lai của quần đảo Antille), và tôi đều trả lời ông một câu giống nhau: - Họ yêu cả anh và thơ anh, cả người đàn ông và cả hiện tượng có tên là Nicolás Guillén. Ông mỉm cười ra dấu đồng ý, hài lòng xoa xoa bộ râu quai nón - rõ là bản thân ông cũng chia sẻ ý kiến đó. Nhưng lập tức một mối nghi ngờ mới lại trỗi dậy trong tâm hồn chất phác của ông: - Thế ngộ nhỡ không có thơ tớ thì sao, cậu thấy thế nào, họ có yêu tớ không? Cậu nghĩ sao? Nếu như tớ không phải là nhà thơ thì họ có yêu không? Hả? °

4

Vrotslav, 1948 Tôi không biết Maria-Bayanka đã phải trổ tài thế nào để được lọt vào số các phóng viên nước ngoài bay tới thành phố Ba Lan này “đưa tin” về Hội nghị các nhà hoạt động văn hoá bảo vệ hoà bình. Tôi vốn biết cô gái lai năng động, uyển chuyển và thanh mảnh này, một nhân vật rất nổi tiếng cả ở khoa luật, nơi cô ta học, cả trong số các cốt cán của đảng. Theo các quan điểm thanh giáo của Maria-Piramidon, một trong những nữ lãnh đạo của đảng chúng tôi, thì cô ta không đáng được gọi là cốt cán. Mario Shenberg, một nhà lãnh đạo khác có cách nhìn thoáng hơn, không tán thành ý kiến đó. Trả lời câu hỏi của tôi vì sao Bayanka được đưa vào thành phần đoàn đại biểu, ông đáp một cách đơn giản và hồn hậu: - Eo cô ta nhỏ đến kỳ lạ, chỉ hai ngón tay là ôm vừa. Nhưng Maria-Bayanka không thèm ngó ngàng gì đến tôi - chẳng gì tôi cũng là một trong những phó chủ tịch hội nghị - cũng như các nghệ sĩ khác trong đoàn đại biểu Brazil. Cô ta lập tức yêu cầu tôi giới thiệu với Picasso và Ehrenburg để làm bài cho báo. Ngay tại phòng họp hội nghị, Pablo Picasso đã dành cho cô ta một cuộc phỏng vấn ngắn, ông tuyên bố đến Vrotslav trước hết là để từ diễn đàn hội nghị đòi Videla, tên độc tài Chile, chấm dứt sự truy nã nhà thơ Pablo Neruda, người đã bị tước quyền nghị sĩ, quyền bất khả xâm phạm thân thể và bị cảnh sát theo dõi. Chẳng hiểu Maria đã xoay ra được anh chàng nhiếp ảnh người Indu khi nào và ở đâu để anh này chụp được một bức ảnh lịch sử: nhà nghệ sĩ vĩ đại của thời hiện đại đứng bên cạnh cô phóng viên nhỏ bé của chúng tôi. Ehrenburg dù bận ngập đầu ngập cổ, cũng đồng ý trò chuyện với cô ta, phân tích ý nghĩa của Hội nghị Vrotslav, các vấn đề của thế giới và trách nhiệm của các nhà hoạt động văn hoá: - Bảy giờ sáng mai tôi đợi cô ở... - và ông cho biết khách sạn và số phòng của mình. Ngày hôm sau Maria kể tôi nghe về cuộc phỏng vấn này: - Tôi gõ cửa. Khi có tiếng đáp, tôi bước vào và thấy Ehrenburg đang nằm trên giường như bà đẻ. Ông ấy bảo: “Cởi quần áo nhanh lên. Tôi chỉ còn nửa giờ thôi. Ðến tám giờ tôi phải đi ăn sáng với Fedoseyev”. (Fedoseyev lúc đó là tổng biên tập báo “Pravda”, uỷ viên trung ương ÐCSLX, một trong những người tổ chức cuộc hội nghị của chúng tôi). Ông ấy mỉm cười và nằm dịch ra nhường chỗ cho tôi... - Cô làm thế nào? Maria-Bayanka nở nụ cười thiên thần, hạ mi mắt: - Làm thế nào ư? Tôi phục tùng - cô ngẩng lên, đưa tay vuốt mái tóc đen mềm - Lời nói của đồng chí Xô-viết là đạo luật... Sau đó ông ấy nói: về hội

5

nghị thì cô cứ hỏi Jorge, còn đưa lên báo thì cứ việc hỏi tôi... Nào ta bắt đầu - thế là cô rút giấy bút ra. Ehrenburg mới từ địa ngục cuộc thế chiến II trở về, ông đã trải qua và chịu đựng nhiều điều trong thế kỷ mình, cho nên tuổi mới ngoài năm mươi mà trông già hơn nhiều - trong giới chúng tôi thường gọi ông là “ông già”. Nếu như Maria ngủ với Enrique Amorim (1900-1960, nhà văn Uruguay-ND) tôi còn hiểu được, nhưng với Ilya... Cô ta làm thế để làm gì? - Sao cô lại hành động thế, Maria-Bayanka? Sao hả? Môi cô ta lại hiện ra nụ cười ngượng ngập, và với vẻ mặt hồn nhiên mơ mộng cô trả lời: - Làm thế để ghi hồi ký. Nhưng cô ta đã không kịp viết những chuyện đó ra - hai năm sau, trên đường trở về Brazil, cô đã bị chết trong một tai nạn ôtô. Nhưng cuộc phỏng vấn Ehrenburg “do đặc phái viên của chúng tôi thực hiện ở Vrotslav” đã có tiếng vang rộng rãi và gây nên cuộc bút chiến sôi nổi. ° Tirana, 1950 Tại cuộc chiêu đãi của tổng thống Pháp Mitterand chào mừng bốn mươi nhà văn nước ngoài đến dự lễ khai mạc chương trình “Fureur du Livre” (Ngày hội đọc sách) - sáng kiến này là của bộ trưởng văn hoá Jacques Lange nhà văn Albani Ismail Kadaré 4 đến bên tôi. Ông nghe nói tôi đã từng đến nước ông, nhưng không biết vào thời gian nào. - Ðó là vào năm 1950, hơn bốn mươi năm trước, Ismail thân mến ạ, khi đó chắc anh đang bò dưới bàn. Tôi đến Albani dự Hội nghị bảo vệ hoà bình. Ðất nước này đã chinh phục tôi: những cánh rừng ôliu, hải cảng trên bờ biển Adriatic -nó không lớn hơn xứ sở Ileus quê tôi, - một dân tộc tự hào vì những chiến công mới đây của mình chống lại Hitler và Mussolini. Bần cùng và hy vọng. Thủ đô nhỏ bé, tôi và Vanda Jakubovskaia đi bộ từ đầu này tới đầu kia chưa hết hai tiếng. Lúc ấy tôi đã viết được mấy đoạn trữ tình về Albani để cho dịu bớt niềm phấn chấn trong người. Tôi còn được giới thiệu với Enver Hoxha (Bí thư thứ nhất ÐCS Albani - ND), nói chuyện với ông ta... - Không thể thế được! Chẳng lẽ ông ta lại tiếp ông? - Ismail ngờ vực thốt lên, chắc anh nhớ là kẻ độc tài ấy rất khó gần ai. - Tôi đại diện cho Hội đồng hoà bình thế giới mà... Hoxha không chỉ tiếp tôi mà còn mời dùng trà, cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài hơn tiếng đồng hồ - ông ta khoe khoang những thành tựu trong quá khứ, chia sẻ những kế hoạch to lớn về tương lai, ca tụng Stalin, nhưng cũng hạ cố để nhớ lại Fuad Saad, bác sĩ ở San-Paolo, đã ở cùng một phòng với ông ta thời sinh viên trong khu quán trọ rẻ tiền tại Marseill (hay

6

Lion?). Khi chia tay, Enver Hoxha lại trở nên cứng rắn và bảo tôi chuyển đến Prestes (1898 -1987, nhà hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân của Brazil và quốc tế-ND) những lời sau: - Hãy nói với đồng chí Luis Prestes để luôn nhớ và không bao giờ được quên rằng: đừng sợ đổ máu. Không đổ nhiều máu thì sẽ không làm được cách mạng, không làm được cái gì cả.

-------------------------------1 Ilya Grigorevich Ehrenburg (1891-1967): nhà văn Nga nổi tiếng. Zavis Kalandra (1902-1950): nhà thơ siêu thực Czech, bị kết án 2 phản cách mạng và tử hình. 3 Nicolás Guillén (1904-1989): nhà thơ Cuba nổi tiếng. 4 Ismail Kadaré (sinh 1936): nhà văn Albani nổi tiếng.

7

Phần 2 Moskva, 1953 Tại đây đang diễn ra kỳ họp - hay hội nghị toàn thể - nói chung là ban thường vụ Uỷ ban bảo vệ hoà bình họp và Ehrenburg nhân dịp này tổ chức tại nhà mình một bữa tiệc - hay bữa ăn tối - chiêu đãi Quách Mạt Nhược. Ðến dự có khoảng chục người - các nhà văn Xô-viết và nước ngoài. Quách Mạt Nhược là một người có danh tiếng trên thế giới, một nhà thông thái và học giả, còn ở châu Á nói chung đó là một nhân vật truyền thuyết, một Khổng tử thứ hai: ông biết năm mươi nghìn chữ tượng hình (xin nói rằng để đọc được báo cần phải biết ba nghìn chữ; giáo viên đại học biết bảy nghìn, trí thức - mười nghìn), hai lần làm bộ trưởng khi đại diện cho đảng cộng sản trong chính phủ liên minh Tưởng Giới Thạch, còn bây giờ là uỷ viên Bộ chính trị ÐCS Trung Quốc, đảng này năm 1949 đã lên nắm quyền và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa mà ông là phó chủ tịch. Ngoài ra Quách Mạt Nhược còn là phó chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới và Uỷ ban giải thưởng quốc tế Stalin. Ðó là ba trong rất nhiều danh hiệu và tước vị mà ông có thể khoe ra... - có thể thôi, nhưng ông không khoe khoang, bởi vì ông là con người giản dị hiếm thấy, không hề cao ngạo, rất cần mẫn chăm chỉ, đặc biệt rất thích chuyện trò tiếp xúc. Tóm lại, đó là một nhân vật nổi bật trong phe xã hội chủ nghĩa, hay như người ta thường nói, một nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, v.v. Ông đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng nhìn mặt thì không đoán được - tôi cảm thấy người Trung Quốc như không có tuổi. Vậy là trong căn hộ của Ilya quây quần quanh cái bàn dài thấp chất đầy các đồ ăn thức uống - thịt cá hồi, thịt cá chiên, các món trứng cá, vây cá nướng, vodka đủ loại, cognac, hoa quả, rượu vang Gruzia và Moldavi - có Konstantin Fedin, Konstantin Simonov, Vsevolod Pudovkin, nhà văn Pháp Vercos, nhà văn Rumani Mikhail Sadovyanu, nhà văn Italia Pietro Nenni và cặp vợ chồng Brazil chúng tôi. Simonov đến cùng với vợ, một phụ nữ rất gây ấn tượng, diễn viên sân khấu và điện ảnh nổi tiếng mà vẻ đẹp Slave điển hình của nàng đã được ông ca ngợi trong văn thơ: chiếc cổ áo hở vai hào phóng cho ngắm nhìn bộ ngực trắng lộng lẫy. Ngôi sao điện ảnh ấy tên là Valentina. Simonov đã viết tặng nàng cả một tập thơ trữ tình đầy dục cảm, nếu không nói là đầy nhục cảm, bị đích thân đồng chí Stalin quở trách: “Các nhà xuất bản tốn tiền in loại sách đó để làm gì, chỉ cần in hai bản cho ông ta và cô ta là đủ!” Valentina lộng lẫy, kiêu sa! Khi nàng mất, Simonov tuy đã chia tay nàng từ lâu vẫn có mặt tại đám tang và đặt lên mộ một nghìn bông hoa cẩm chướng đỏ thắm - một nghìn bông, không kém. Quách Mạt Nhược ngồi đối diện với người đẹp và không tham gia vào cuộc trò chuyện vì nàng nói tiếng Pháp, còn ông nói được mười tám thứ tiếng châu Á nhưng lại không biết một thứ tiếng châu Âu nào, trong khi anh phiên

8

dịch tên Lý thì ở ngoài hành lang. Ông chỉ ngồi im nhìn vào cổ áo của Valentina. Ngoài bộ ngực đồ sộ nhô lên như quả đồi kia ông không nhìn thấy gì hết nữa, và vốn là người có học thức ông uống cạn ly rượu vodka đặt trước mặt - uống liền một hơi để trấn an mình. Liuba, bà chủ nhà hiếu khách, lập tức rót cho ông một ly khác. Ông cũng lại uống cạn luôn. Cần phải nói rằng ở Trung Quốc bộ ngực phụ nữ, vùng kích thích tình dục chủ yếu, là một cái gì khép kín, bí ẩn và thiêng liêng, nếu không nói là “bất khả xâm phạm” - người ta luôn luôn cố giấu nó đi, thắt buộc nó lại không cho phát triển, tóm lại, đó là một chỗ tuyệt đối kiêng kị. Cho nên không lấy làm lạ là hai nửa quả cầu để hở gần như đến chỏm nằm trong khuôn ngực của chiếc áo nhung đen, do đó mà càng trở nên trắng ngời lộng lẫy, đã hút chặt cái nhìn của nhà thông thái và nhà hoạt động nổi tiếng người Trung Quốc. Các vị khách khác không ngờ một tai hoạ sắp xảy ra, vẫn tiếp tục trò chuyện bình thản sôi nổi về văn học nghệ thuật và sực nhớ ra khi đã muộn - cái điều phải đến đã đến. Quách Mạt Nhược, vẫn điềm tĩnh thản nhiên như mọi lúc, dù đã uống nhiều, vẫn không rời mắt khỏi “báu vật Nga” này, đứng lên đi vòng quanh bàn rồi dừng lại sau ghế của Valentina, giơ hai tay ra ôm chặt lấy bộ ngực phơi trần như trình diễn của nàng, chặt đến mức như không bao giờ rời chúng ra nữa. Tất cả sững người. Quách Mạt Nhược, vị phó chủ tịch của rất nhiều tổ chức, một nhân vật lịch sử, một người nổi tiếng, đứng đó với hai bàn tay lùa vào khoảng hở trên chiếc áo dài của Valentina bóp chặt đôi vú của nàng tay trái vú trái, tay phải vú phải - và trên khuôn mặt bất động của ông chậm rãi hiện lên vẻ khoái lạc thần tiên. Những người có mặt lúc đó hầu như hoàn toàn bị tê liệt: chúng tôi chết lặng, mất cả khả năng ăn nói - sự câm lặng như thế kể từ thời khai thiên lập địa chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có lại nữa. Nhưng vào khoảnh khắc đầy cao trào kịch tính đó anh phiên dịch tên Lý, suốt nãy giờ không rời mắt khỏi ông chủ, đã từ hành lang chạy vào nắm lấy khuỷu tay ông, kéo ra xa Valentina một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết - nói thế được chăng? - rồi đưa ông ra khỏi phòng và căn hộ. Ilya và Liuba khi đó mới sực tỉnh, vội theo sau để tiễn khách. Cuộc bàn luận văn học nghệ thuật lại tiếp tục từ cái chỗ bị ngắt quãng trước đó một phút, dường như không ai thấy có chuyện gì xảy ra. Từ cái buổi tối chấn động đó niềm kính trọng của tôi đối với Quách Mạt Nhược càng lớn hơn, tăng lên vô hạn. ° Moskva, 1957 - Paris, 1990 Tôi không biết tại sao - có thể đó là sự phản ứng gay gắt đối với lối đọc thơ quảng trường đã lan khắp Brazil như một đại dịch vào những năm 30 - tôi thích đọc thơ bằng mắt, đọc cho riêng mình, và điều lớn nhất tôi có thể tán

9

thành - đó là giọng đọc khẽ khàng, chỉ như hơi thì thầm, của người yêu đọc thơ cho mình nghe. Khoái cảm đó thật không thể gì so sánh được. Tôi rất thích thấy ở Moskva, trong công viên Gorki, các đôi thanh niên nam nữ ngồi kề vai sát má bên nhau, tay đan vào nhau đặt trên những trang thơ của Pushkin và Essenin. Còn việc đọc thơ to tiếng kiểu diễn thuyết thì tôi tránh xa như tránh bệnh sốt vàng. Tuy nhiên tôi phải thú nhận là có hai lần việc đọc thơ thành tiếng đã làm tôi chấn động mạnh. Cách đây chưa lâu ở Paris, tại Sorbonne, tôi cùng Zélia đã nghe Maria de Jesus Barroso, nữ diễn viên Bồ Ðào Nha nổi tiếng (cũng xin nói thêm bà là vợ của tổng thống Bồ Ðào Nha Mario Soares), trình diễn đọc thơ của các nhà thơ vĩ đại nước mình - Mario de Sa-Carneiro, José Régio, Fernando Pessoa. Không hề có sự uốn éo lên giọng, nức nở lâm li, thống thiết - bà sống theo từng khổ thơ, gây xúc động cho thính giả bằng chính thơ ca, bằng tình cảm thuần khiết và chân thành của mình. Và tiếng Bồ Ðào Nha từ miệng bà cất lên có một âm điệu vĩnh hằng - thơ thấm vào người tôi, tràn ngập người tôi, tan hoà theo máu chảy khắp huyết quản. Một trường hợp khác, cũng đã lâu rồi, diễn ra tại Moskva. Bên ngoài đang là thời hửng ấm của Khrushchev, còn trong Nhà hát châm biếm đang trình diễn vở kịch về Mayakovski, các diễn viên kể về cuộc sống nhà thơ theo những vần thơ của ông, kịch bản được dựng theo một số bài thơ và bài viết mà đương thời nhà thơ sáng tác để chống lại những sự phỉ báng bất công của giới phê bình đối với mình. Trên sân khấu bốn diễn viên đóng bốn Mayakovski - nhà cách mạng, chàng tình nhân, nhà siêu thực... Còn nhân vật thứ tư? Tôi không nhớ nữa. Có thể chỉ là ba chăng? Tôi không nói và không hiểu được tiếng Nga, nhưng sức mạnh sâu thẳm của thơ ca đã thấm vào lục phủ ngũ tạng tôi như người ta hay nói, khiến tôi xúc động đến chảy nước mắt. Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảnh Mayakovski - kẻ tự sát - bước ra sân khấu và đọc những vần thơ viết về cái chết của Essenin, những vần thơ ông làm trách móc người bạn thơ đã yếu đuối, đã buông tay đầu hàng. Nghe đọc mà sởn da gà. ° Moskva, 1954 Bữa trưa tại nhà Ehrenburg. Lida, cô giúp việc ở nhà ông, hết sức ngưỡng mộ tôi: cô tìm hết cách trổ tài nghệ để thết đãi tác giả mình yêu thích, do đó bữa ăn rất ngon. Còn vị chủ nhà ở trong phòng làm việc đang nhận chỉ thị của đảng từ tổng biên tập báo “Pravda”: cần phải viết một loạt bài về các đề tài quốc tế, việc này phi Ilya ra không ai làm tốt hơn được. Trong khi chờ công vụ kết thúc, mấy người chúng tôi cùng nhau uống rượu lấy từ hầm chứa của tiến sĩ Goebbels (bộ trưởng thông tin tuyên truyền dưới thời Hitler - ND). Một thời gian trước đây chủ tịch Viện hàn lâm khoa học, một người có quan hệ mật thiết với giới chính trị cấp cao, gọi điện cho Ilya và tin cậy thông báo

10

cho ông một tin chấn động - cái tin sốt dẻo mà chỉ rất ít người có đặc quyền được biết... Một thông tin khiến sững người. - Berya bị kết án tử hình à? - Ilya hỏi; đây chính là lúc đang xử án vị cựu lãnh đạo cơ quan an ninh xô viết. - Berya gì ở đây?! - ông viện sĩ bực bội - Berya, Berya... Việc hết sức nghiêm trọng mà anh thì cứ nói đâu đâu...Tôi được một nguồn tin đáng tin cậy cho biết sáng ngày mai tại một trong các cửa hàng thực phẩm trung tâm sẽ có bán những thứ rượu sưu tập để trong hầm chứa của Goebbels. Tôi khuyên anh nên dậy sớm và đến lúc cửa hàng mới mở cửa, như thế sẽ mua được nhiều hơn. Trong các chiến lợi phẩm Hồng Quân thu được sau khi Berlin sụp đổ có cả một bộ sưu tập khổng lồ các loại rượu quý ngon, đắt tiền do quân đội Ðức cướp bóc trên khắp châu Âu, trước hết là ở Pháp, mang về. Gần mười năm qua chúng được cất giữ ở đâu không ai biết, bây giờ chúng được rót vào chai, dán độc cái nhãn cộc lốc “Rượu” rồi đưa ra bán với cái giá rẻ như bèo - rẻ hơn giá các loại rượu khai vị bình thường của Gruzia và Moldavi sản xuất. Ilya và Liuba dậy từ sáng sớm, huy động cả Lida, mẹ Lida, anh tài xế, hai cô thư ký, mẹ của hai cô, con gái Irina, con rể, tóm lại là làm một cuộc tổng động viên, cả cái tiểu đoàn hỗn hợp đó đã hành quân ra cửa hàng lúc mới mở cửa và đã khuân về được tám chục chai rượu. Chẳng mấy chốc đã có cả một hàng người xếp dài trước cửa hàng thực phẩm: mọi người tranh nhau mua và trả tiền, không cần hỏi mua gì, trả tiền cái gì, họ hành động như câu thành ngữ đã nói “Cho gì lấy nấy” đúng theo tinh thần thời bấy giờ. Tiếp đó là cuộc xác định rượu theo kiểu Nga - rút nút chai và nếm thử các loại rượu không có tên: căn cứ vào hương vị chúng tôi cố đoán xem năm và nước sản xuất, kiểu và chủng loại, tuổi rượu, thời gian cất giữ. Hoá ra tất cả đều là rượu hạng cao, thứ thiệt, do đó việc đưa chúng ra bán công khai là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại không kém cái chết của Stalin, đại hội XX ÐCS Liên Xô. Anh nên nhớ là việc vạch trần Berya không được đưa vào hàng lớn lao này, đó chỉ là chuyện vặt, một tiểu tiết không đáng chú ý... Vậy là, chúng tôi ngồi đợi chủ nhà, nhấm rượu với trứng cá, thịt cá chiên và một thứ cá lạ mà ông chủ tuy vội chưa kịp nếm nhưng đã hết lời giới thiệu. Lúc sau Ilya và ông tổng biên tập “Pravda” từ phòng làm việc đi ra, ông khách cũng được mời nếm thử các thứ rượu ngon của Goebbels. Nhưng ông ta thích vodka hơn - ông uống cạn ly và chào ra về. Ehrenburg cầm lấy một chai màu đỏ rót ra và nhấp nhấp rồi cho biết đó là rượu Bordeaux, ông khoan khoái uống từng ngụm nhỏ và kể vanh vách thứ nho này trồng ở đâu, được cất giữ ở hầm rượu nào và đã được bao nhiêu năm. Hiểu biết của ông trong lĩnh vực này thật tuyệt vời. Khi người nhà trải khăn bàn và bày bữa ăn lên, ông kể lại câu chuyện về vị khách vừa mới ra về. Trong phòng làm việc của Ehrenburg, bốn mặt tường treo kín các bức hoạ và bản khắc của các bậc thầy hội hoạ Pháp - bộ sưu tập tranh này không thua kém gì bộ sưu tập rượu của Goebbels và đáng giá hàng triệu rúp. Trên

11

bàn làm việc của ông đặt bức tranh khắc “Con cóc” của Picasso với lời tác giả đề tặng. Khi thấy con vật hình thù bị xé lẻ ra nhiều mảnh, vị nhà báo Sự Thật, nhà tư tưởng, tín đồ của chủ nghĩa xã hội, sững người lại và đỏ mặt lên: - Thứ này mà các nhà tư bản gọi là nghệ thuật à? Ilya Grigorevich, sao anh lại có thể để trong phòng làm việc của mình cái đồ thối rữa ghê tởm này được nhỉ? Làm sao cái ông Picasso sơn trát ấy lại dám gọi mình là người cộng sản được? Ilya ngắt dòng thác buộc tội của ông ta: - Anh có biết bức tranh khắc này tên là gì và vẽ gì không? - Tôi không biết và không muốn biết! Ðó là... - Ðó là chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhà tư tưởng dần dần dịu lại, lại ngắm nghía con cóc, lắc đầu, cái gáy gồ lên của ông ta trở lại sắc màu bình thường. - Vậy hả? Thế mà tôi không nhận ra ngay, - ông ta nói vẻ tự phê. - Picasso hình như là đảng viên ÐCS Pháp phải không? Một đồng chí đúng đắn và một tài năng lớn. ° Petropolis - Paris, 1984 Nhốt mình cách biệt với thế giới bên ngoài, như người ta thường nói, trong căn nhà ấm cúng và tiện nghi của hai người bạn Gloria và Alfredo Machado, tôi như anh tù khổ sai bị buộc chặt vào cỗ xe, tập trung viết cuốn Tocaia Grande. Không tiếp xúc với ai cả. Nhưng có chuông điện thoại, Zélia nhấc ống nghe và vẫy tôi: - Anh nghe đi... Ðại sứ Pháp gọi. Thế là tôi, một người Pháp về tâm hồn, bước lại chỗ điện thoại. Vị đại sứ thông báo cho tôi cái tin vừa nhận được: chính phủ Pháp thông qua tổng thống Mitterand trao tặng tôi huân chương Bắc Ðẩu Bội Tinh - hạng comando, tức là ngôi sao. Cùng được nhận phần thưởng này với tôi còn có những người hết sức xứng đáng - Federico Fellini, Joris Ivens, Norman Mailer, Alberto Moravia, Yashar Kemal; cả người Thổ Nhĩ Kỳ và người Italia đều là bạn bè từ lâu của tôi, cũng như nhà điện ảnh Hà Lan. Tôi cám ơn vì vinh dự, nói là tôi rất tự hào và xúc động. Tất cả chỉ vậy. Ðại sứ báo cho tôi biết ngày giờ trao thưởng. Tôi hết sức không muốn ngắt quãng việc viết cuốn tiểu thuyết, cho nên khi biết vị đại sứ tuần sau sẽ bay đến Baya để trao huân chương cho Pierre Bergé tôi tỏ ý muốn được cùng đi với ông ta. Buổi sáng tôi sẽ có mặt ở Baya, buổi chiều tôi sẽ quay lại Petropolis, còn đi Paris thì mất đứt cả một tuần. Nghe tôi tính toán thế, vị đại sứ ngớ ra một lúc.

12

- Thật không thể ngờ được! - ông ta thốt lên không phải không bực dọc Bergé được Bắc Ðẩu Bội Tinh loại thường nên tôi có quyền cài chữ thập cho ông ta. Còn ngài được thưởng huân chương hạng comando, do đó chỉ đích thân tổng thống mới có thể trao nó cho ngài được. Ôi cái sự đơn giản nông cạn của tôi! Tôi cuống quýt xin lỗi, hỏi lại ngày giờ, và chúng tôi bay đến Paris. Tổng thống Mitterand sau khi choàng lên cổ tôi dải băng huân chương đã không tiếc lời tán dương lao động nghề văn của tôi. Trong gian phòng của điện Elysée tôi trông thấy những bạn bè Pháp thân thiết của mình, tôi xúc động đến nổi gai ốc và rơi nước mắt... Còn đối với Zélia buổi lễ trọng thể này dường như là một lời xin lỗi: tại đây, trong điện Elysée, chúng tôi kỷ niệm một sự kiện - đúng hai mươi lăm năm kể từ cái ngày người ta trục xuất chúng tôi khỏi nước Pháp. ° Canne, 1985 Jose Aparecido de Oliveira được bổ làm thống đốc bang thủ đô của Brazil và để lại chức vụ bộ trưởng văn hoá. Jose Sarney, tổng thống mới đắc cử của đất nước, quyết định mở rộng thành phần nội các và trao cái chức còn bỏ trống đó cho một quý bà. Ðấy là một hành động khôn ngoan, một cử chỉ rộng rãi. Ông mời Fernando Montenegro giữ chức bộ trưởng - diễn viên này từ chối. Khi đó Sarney tìm kiếm ở Liên hoan phim Canne bà Zélia Gattai, vợ của một ông Jorge Amado nào đó, và đưa ra đề nghị với bà. Từ chối. Sarnei vẫn kiên trì. Zélia bối rối, không hiểu nguyên nhân của việc khăng khăng lời mời đó. Nguyên nhân rõ quá rồi còn gì, tôi giải thích cho vợ. Một nữ nhà văn nổi tiếng, một người am hiểu văn học nghệ thuật, một người nghiêm túc, có tài, và cuối cùng là một người dễ mến. Ðó là sự lựa chọn đúng đắn - phát đạn bắn trúng điểm đen. Em không phải bộ trưởng là gì? Zélia hỏi - đấy là tôi nói nghiêm túc hay quen thói nhạo báng như thường lệ? Nghiêm túc chứ, chưa bao giờ anh nghiêm túc như vậy, còn chuyện nhạo báng thì em quên đi. Lúc đó nàng mới bảo tôi trả lời thật công khai, nếu mọi chuyện đúng là như tôi nói, vậy nếu nàng đồng ý nhận lời thì sao. Câu trả lời đã có sẵn: - Sarnei muốn có một phụ nữ phụ trách văn hoá - điều ấy là đúng. Ðồng ý ông ta sẽ được một nữ bộ trưởng xinh đẹp, thông minh, tài năng và... - Và sao? Anh nói đi! -... và bị chồng bỏ. ° New Dehli, 1957 Pablo Neruda với dáng vẻ nạn nhân của sự trùng hợp ác độc của các hoàn cảnh xuất hiện tại phòng khách sạn của tôi, chỉ ngón tay vào một bài báo tiếng Anh:

13

- Vô nghĩa! Không thể được! Những người Xô-viết này thật là không nghiêm túc! Cậu sẽ làm gì với họ đây, Jorge? Trong bức ảnh đặt phía trên bài báo, Khrushchev ôm hôn Tito tại sân bay Belgrad. Sau thành công vang dội của Bài ca cho toàn thể mọi người, tác phẩm chính của Neruda đưa ông lên hàng đầu các nhà thơ hiện đại, ông cho ra Chùm nho và ngọn gió - tập thơ chính trị vạch trần chủ nghĩa đế quốc Mỹ mang lại cho các dân tộc trên thế giới chiến tranh và nghèo đói, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Xô-viết và các nước dân chủ nhân dân mới ra đời nhờ thắng lợi của Hồng Quân. Trong tập có bài hay bài kém, tuy không thể so được với tập trước, nhưng không có bài nào gọi là bất tài: mỗi bài đều có ít nhất một dòng thực là tài năng - Pablo bao giờ và ở đâu cũng vẫn là nhà thơ. Và trong tập đó bài nổi bật nhất là bài ca ngợi Josiv Broz Tito, lãnh tụ của các dân tộc Nam Tư, người cha của tổ quốc, sự vĩ đại của ông che mờ cả sự vĩ đại của người trùng tên với mình trong điện Kremli (ý nói Josiv Stalin - ND). Bài thơ nhanh chóng được dịch ra tất cả các thứ tiếng của Liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư. Nhà xuất bản Arhentina “Losada” đã thông báo việc tái bản tập Chùm nho và ngọn gió, đùng một cái loan đi cái tin hai Josiv bất hoà chí tử với nhau. Neruda, lòng đầy căm giận tên nhượng bộ và phản bội Tito, lập tức thay ngay bài tụng ca cũ đã lên khuôn bằng một bài mới viết trước sự hân hoan của những người Xô-viết - và tất cả chúng tôi - lột mặt nạ người anh hùng nhân dân khỏi con chó bị xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Từ đó đã bao nhiêu nước chảy qua cầu - đại hội XX của ÐCS Liên Xô vạch trần tệ sùng bái cá nhân, nêu lên những tội ác của Stalin, phục hồi cho Tito, Khrushchev mang cành cọ bay sang Belgrad, còn nhà xuất bản Chilê “Nasimento”chuẩn bị đưa in Chùm nho... Còn giờ đây Pablo đang chỉ cho tôi thấy bài phát biểu của Khrushchev khi ông ta vừa ra khỏi máy bay và ngã vào vòng tay ôm của nguyên soái Nam Tư - đồng chí Tito thân mến. - Không, cậu đừng nghe, - nhà thơ tội nghiệp sôi lên, ông đã bị mắc vào cái mê cung chính trị không biết đường nào mà lần, chùm nho thơ của ông đã bị tan tác trước cơn gió thay chiều đổi hướng không tài nào đoán trước được. - Ðồng chí Tito thân mến! Cậu khuyên tôi nên in bài nào vào tập bây giờ? Bài ca ngợi hay bài chửi rủa? Tất nhiên, tôi là một người dấn thân, nhập cuộc, nhưng như thế này thì quá lắm! Chẳng lẽ lại có thể như thế được? Tôi khuyên Pablo nói chung, một lần và mãi mãi, đưa Tito ra khỏi tập để không bị phụ thuộc vào những dao động của đường lối chung nữa. Còn cái chính - chớ vội sáng tác bài tụng ca Khrushchev: sự việc còn vần xoay chưa biết đâu mà lần!

14

Phần 3 i>Paris, 1949 Từ văn phòng này đến văn phòng khác, từ bộ này sang bộ khác, tôi cùng với Pablo Picasso đi khắp Paris để xin gia hạn cho Neruda lưu lại nước Pháp. Mà hôm đó lại là một ngày quan trọng của nhà họa sĩ vĩ đại: Francoise, vợ ông, vào nhà hộ sinh. Ông muốn có đứa con gái, cô bé đã ra đời và được đặt tên là Paloma (tiếng Tây Ban Nha, nghĩa là “bồ câu”). Vật cùng tên và là người chị của cô bé - bởi đó cũng là sáng tạo của ông - đã được trang trí khắp các bức tường và cột áp phích ở Paris: con chim bồ câu hoà bình đã trở thành biểu tượng của Hội nghị các chiến sĩ bảo vệ hoà bình lần thứ nhất sẽ khai mạc vào ngày mai tại phòng họp Pléiade. Còn Neruda với bộ râu giả đã xuất hiện tại Paris một tuần trước - ông mang hộ chiếu giả đề tên một công dân Guatemala là Don Antonio de Gì Gì Ðó. Hơn thế nữa, đó là tấm hộ chiếu ngoại giao, còn Don Antonio không phải là tuỳ viên văn hoá, cũng không phải giữ một chức vụ gì đó. Vụ này là nhờ sự giúp đỡ của Miguel Angel Asturias 1 , đại sứ Guatemala tại Arhentina, ông đã không quản ngại cương vị và danh vọng của mình đáp lại lời yêu cầu của người bạn. Ông đã hành động không chút do dự khi Pablo chạy khỏi Chile, nơi nhà thơ bị tước quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ, đến cầu cứu ông. Việc Neruda lưu lại Paris lúc đầu hoàn toàn được giữ kín - biết chuyện này, ngoài tôi ra, chỉ có Alfredo Varela, người đứng đầu ÐCS Arhentina, bản thân cũng là nhà văn, tác giả tiểu thuyết Dòng sông tăm tối, thêm Laurent Casanova, uỷ viên Bộ chính trị ÐCS Pháp phụ trách văn hoá và bảo vệ hoà bình, thêm Louis Aragon, thêm Françoise Leclerc, người chứa chấp kẻ chạy trốn - nhưng chẳng bao lâu đó đã là bí mật mà ai cũng biết. Ðến dự Hội nghị có nhiều bậc thầy văn học nghệ thuật mới từ các nước Mỹ La tinh - Juan Marinello, Miguel Otero Silva, Nicolás Guillén. Còn Neruda với các giấy tờ giả thì không thể tham gia vào công việc của Hội nghị được và, nói chung bất cứ lúc nào ông cũng có thể bị bắt, bị vạch trần và đuổi khỏi nước Pháp. Thế là Picasso nhận lấy việc chạy chọt cho Neruda, còn tôi dù chẳng được tích sự gì lắm cũng nhập hội với ông đi gõ các cửa. Cứ nửa tiếng chúng tôi lại ghé vào tiệm rượu để Pablo gọi điện đến bệnh viện hỏi xem việc sinh nở và lần nào cũng được nghe câu trả lời: “Chưa sinh”. Nhưng rồi rốt cuộc ở đầu dây bên kia cũng có tin mừng: người ta báo cho ông biết cô bé đã ra đời, cuộc sinh nở mẹ tròn con vuông. Còn chuyện Neruda sắp giải quyết xong, chỉ còn mấy thủ tục cuối cùng một mình tôi có thể lo được. Anh hãy vào viện thăm vợ con đi, tôi bảo Picasso. Nhưng ông gạt đi. Và đây, Bộ ngoại giao và Bộ nội vụ Pháp đã tìm ra cách giải quyết được mọi vấn đề: Neruda rời nước Pháp bằng ôtô, lính biên

15

phòng được báo trước để không gây cản trở gì, và ông sẽ quay lại khi hộ chiếu được lo xong đúng thủ tục. Tại Thuỵ Ðiển, nơi vợ Pablo Neruda khi ấy là Delia del Carnil, biệt danh là Kiến, đang đợi ông, có một người hết sức hâm mộ tài năng của ông - đó là cựu lãnh sự Chile. Ông này, may sao, vốn phòng xa nên khi về hưu đã giữ lại các con dấu và giấy tờ in sẵn, nhờ đó ông ta đã gia hạn thêm cho tờ hộ chiếu cũ mà Delia mang từ Santiago sang, thế là nhà thơ của chúng ta lại có mặt ở Paris, nhưng lần này không phải dưới cái lốt Don Antonio de Gì Gì Ðó, mà với cái tên thật của mình - công dân Chile Neftalí Ricardo Reyes. Sau đó, khi trở lại Chile, trong tất cả các giấy tờ ông sẽ hiện diện không phải là Don Antonio mang râu, cũng không phải là Neftalí Reyes, mà là Pablo Neruda, nhà thơ và người tranh đấu. Picasso lo liệu việc này cho đến tận khi tin chắc là nó đã được giải quyết dứt điểm ông mới giao cho tôi những việc vặt còn lại - lo ôtô và đội bảo vệ gồm các sinh viên cộng sản Paulo Rodriges và Alberto Castiel. Họ chở ông Antonio mang râu sang Thuỵ Ðiển và đưa ngài Neruda trở lại- không râu, nhưng hộ chiếu thật. Khi trở về khách sạn, tôi kể cho Zélia về tất cả những chuyện của cái ngày này, về những cú điện thoại Picasso gọi đến bệnh viện, về sự ra đời của cô bé Paloma. - Nếu có lúc nào đó sinh con gái, chúng ta cũng sẽ đặt tên con là Paloma. Zélia nói. Việc đó sẽ đến vào năm 1951. Ngẫm lại thì Paloma của chúng tôi đã được hoài thai ở Varsava, tại Hội nghị các chiến sĩ hoà bình lần thứ hai. Có lẽ tôi và Zélia đã hưng phấn trước vô số bức tranh chim bồ câu dán đầy các bức tường của thủ đô Ba Lan. Paris, 1988 Dona Zélia sẵn lòng tha thứ mọi chuyện trên đời cho cái gã mà số phận nghiệt ngã đã ràng buộc nàng vào; tất cả những hành vi và tội lỗi của gã nàng đều sẵn sàng thông cảm, cho đó chẳng qua là vì gã vốn có một thời thơ ấu nặng nề, một thời tuổi trẻ sôi sục, một nền giáo dục khắc nghiệt, một sự dạy dỗ khó chịu, quá lắm nữa thì nàng đổ tại bản tính con người không hoàn thiện. Duy chỉ có một việc nàng không tha thứ cho tôi. Và cho mãi đến nay đó vẫn là đề tài cấm kị trong nhà tôi, tốt nhất là đừng động đến nó, nếu như điều kiêng kị đó bị phá vỡ lập tức sẽ vang lên tiếng cười cay đắng, những câu nói độc địa, tiếng nghiến răng ken két. Không cần, không cần nhắc lại cho vợ tôi về chiếc trực thăng của tổng thống Pháp. Chuyện xảy ra vào mùa thu, theo như bây giờ tôi nhớ lại là vào tháng chín. Ở Paris ngành y đang đình công, biểu tình. Nhìn qua cửa chiếc xe con của chính phủ chúng tôi thấy một đám đông các y tá và hộ lý cầm khẩu hiệu, biểu ngữ, băng cờ, cảnh đó khiến chúng tôi muốn nhập bọn: Zélia thì vì tình

16

đoàn kết, còn tôi thì vì đã lâu không được hô “hoan hô!” và “đả đảo!”. Phía trên biển người, những chiếc trực thăng cảnh sát bay lượn để đề phòng, cho biết rằng chính quyền sẵn sàng ra tay. Chúng tôi được tổng thống Mitterand mời dự bữa trưa tổ chức cách Paris chừng một trăm cây số, tại lâu đài thuộc về De Bossy, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề văn hoá. Ðây không phải là bữa tiệc chính thức, không phải là “bữa ăn” tiếp tân, mà là một cuộc gặp mặt vui vẻ và dễ chịu trong diện hẹp: ngoài đích thân tổng thống và chủ nhà ra, còn có bà chủ xuất bản nổi tiếng Odil Jacob, nhà văn và bộ trưởng văn hoá Tây Ban Nha Jorge Semprun nhân dịp này bay từ Madrid sang, và tôi với Zélia. Câu chuyện quanh bữa ăn nói về nước Pháp, về Tây Ban Nha, về thế giới đang tan rã và châu Âu đang hợp nhất, về những thay đổi lạ lùng ở phương Ðông mà vài ngày nữa chúng tôi sẽ bay sang đấy để tự mắt mình nhìn thấy. Nói rằng bữa ăn thành công nghĩa là chưa nói gì cả: đó thật sự là một kiệt tác, một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, gợi nhớ đến belle epoque (thời đại đẹp đẽ)... Sau khi ăn tráng miệng xong chúng tôi đi xem lâu đài, con chó đen của Mitterand cứ quấn quít chạy nhảy quanh chủ. Nhưng giờ phút chia tay đã đến - thời gian biểu của tổng thống được tính sít sao từng phút, các phi công chiếc chuyên cơ của ông đã khởi động máy. Chúng tôi tạm biệt nhau, đúng lúc này Mitterand mời vợ chồng tôi cùng lên máy bay với ông. Zélia run lên vì sung sướng: nàng rất thèm được bay, mà đây lại là chiếc trực thăng riêng của tổng thống, càng thích thú biết bao! Nhưng trước khi nàng kịp mở miệng nói ra tất cả những điều đó, gã chồng thô lỗ của nàng đã can thiệp vào. Gã đó - tức là tôi - từ chối thẳng thừng. Từ chối, không để mảy may nào hy vọng sẽ đồng ý, không hề mập mờ, lấp lửng, từ chối dứt khoát, thẳng băng: merci, thưa ngài tổng thống, cám ơn ngài về vinh dự đó, nhưng tôi không ngồi vào con chuồn chuồn quỷ sứ ấy. Với những ai chưa biết chuyện, tôi xin nói: tôi rất khiếp sợ các loại máy bay, nhưng nỗi khiếp sợ đó là chuyện vặt so với những cảm giác bao trùm lấy tôi khi thấy một chiếc trực thăng với những cánh quạt như hình cái đinh. Ðặc biệt là những cánh quạt này trên mái nhà - chúng cứ xoay xoay rồi chốc lại dừng. Mitterand cố mời: đến điện Elysée chỉ mất một phần tư giờ bay, sau đó người ta sẽ đưa chúng tôi về nhà, chứ mất công chạy xe một trăm ki lô mét để làm gì? Zélia tuyệt vọng cũng đặt cho tôi câu hỏi đó: để làm gì? Ánh mắt và giọng nói nghiêm khắc của nàng hứa hẹn nhiều điều, nhưng tôi là người đàn ông - quỷ tha ma bắt - đã nói một là một, không thể khác. Ðể làm gì? Sau nữa, thưa ngài tổng thống, tôi sợ bay lắm. Tôi cố không nhìn Zélia, bởi vì sẽ chẳng thấy gì tốt lành cả, tôi biết rõ điều đó.

17

Chiếc Citroen của chính phủ lao nhanh trên đường cao tốc. Zélia giữ thái độ im lặng ghẻ lạnh - tôi không thể cạy được một lời nào từ nàng. Không một câu nói, một ánh nhìn, một nụ cười nào về phía tôi, nói chung ngồi bên cạnh tôi lúc đó chỉ còn là cái xác phàm của nàng, còn tâm hồn nàng thì đang ở trên trời, trong chiếc trực thăng của tổng thống. Khuôn mặt thường ngày vui vẻ giờ đâm cau có, đôi mắt hướng vào cõi mông lung. Tôi tuyệt vọng cố bắt chuyện với nàng, gợi nhắc lại bữa ăn, những câu đùa tinh tế và các thứ rượu ngon, đầu óc thông minh và mẫn tiệp của chủ nhà, của các vị khách, tôi cố pha trò và sợ hãi như cá gặp băng. Tất cả đều vô ích. Tất cả đều trống không. Sự im lặng chết chóc đó là câu trả lời cho tôi, còn chiếc xe đang chở chúng tôi, một phương tiện giao thông cổ lỗ và thảm hại, trở thành sự trách móc không phải câm lặng mà gầm rú, sự hiện hình trực quan tội lỗi của tôi. Cuộc biểu tình đã kết thúc, trên mặt đường ngổn ngang các băng cờ, biểu ngữ, còn cái trán của Zélia đang căng lên nghĩ ngợi sao thế giới này được xây dựng thật bất công, cuộc sống sao thật khủng khiếp, thì càng trở nên mờ mịt hơn. Nghe có tiếng rú ầm ầm - đó là chiếc trực thăng cuối cùng của cảnh sát bay là là trên quảng trường Bastille, buộc phải uống tận hết cái chén tuyệt vọng. Moskva, 1954 Anna Seghers 2 gọi điện cho tôi từ khách sạn “National” ở không xa Hồng trường về khách sạn “Metropol” nằm đối diện Nhà hát lớn - nơi vợ chồng tôi, Pablo Neruda và Nicolás Guillén nghỉ lại. Tôi vừa mới đến, bà hồi hộp nói, và tôi cần gặp anh ngay - có một chuyện không thể trì hoãn được. Anna, cũng như tôi, như nhiều người khác khắp năm châu về đây - là khách mời của Ðại hội nhà văn Xô-viết lần thứ hai, việc họp đại hội này là một sự kiện có ý nghĩa thời đại đối với giới trí thức cánh tả toàn thế giới. Nhưng ngoài việc đó ra, Anna còn phải tham gia phiên họp của Ủy ban giải thưởng quốc tế Stalin mà bà là một thành viên. Còn tôi là người được nhận giải thưởng đó, cho đến lúc ấy tôi chưa có phần thưởng nào cao hơn, nhờ nó ở Liên Xô người ta xem tôi là nhân vật được công nhận, là người quan trọng. Chính về giải thưởng này mà Anna muốn nói chuyện với tôi. Trên hành tinh chúng ta có một số người không hiểu vì sao rất tin tưởng vào tôi, coi tôi là nhân vật tầm cỡ, có khả năng giải quyết mọi chuyện, trong mắt họ tôi là người toàn năng. Trong số người đó có Anna Seghers. Vấn đề khiến bà lo lắng và cần lời khuyên ở tôi hoá ra là rất quan trọng. Ðó là chuyện về Bertolt Brecht 3 . Tôi đã có lần ăn tối cùng ông tại nhà Anna họ sống trong cùng một khu nhà ở Ðông Berlin, nếu tôi không nhầm, ông ở tầng hai, bà ở tầng tư. Anna chơi với Helena Weigel vợ ông, họ cùng bà dự họp Uỷ ban giải thưởng Stalin. Với chính Brecht tôi có dịp gần gũi hơn khi đạo diễn Alberto Cavalcanti quay tại Viên bộ phim theo vở kịch của ông Ngài Puntila và gã đầy tớ Matti và tôi cảm thấy đã có góp phần cho nhà viết kịch và nhà đạo diễn hiểu nhau hơn.

18

Chuyện là thế này: ban lãnh đạo ÐCS Ðức - tôi không nhớ đảng đó tên là gì, “xã hội chủ nghĩa” hay “thống nhất”, nhưng thực chất vấn đề không vì thế mà thay đổi - do tính chính thống cứng nhắc, bè phái vượt quá mức thông thường, đã nhìn lệch Brecht - nghi ngờ và khó chịu. Không đếm xỉa đến việc ông đã hiến dâng cả đời mình cho sự toàn thắng của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa, họ đã buộc tội nhà văn kỳ lạ này theo chủ nghĩa hình thức, bởi vì sáng tác của ông không bao giờ nằm vừa trong cái giường chật hẹp của những khái niệm do Zhdanov 4 nêu ra về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ðể mở màn họ đã quyết định, như Anna thì thào với tôi, tước đi của Brecht cái nhà hát mà người Nga đã để lại cho ông khi rút khỏi Berlin. Tại nhà hát đó Brecht cùng đoàn của ông đã dàn dựng những vở kịch gây chấn động toàn thế giới. Anna Seghers không thể bỏ mặc bạn trong cơn hoạn nạn - bà đã lập tức lên tiếng đấu tranh và chuẩn bị mưu kế. Họ làm cho cuộc sống của ông ấy không thể chịu được nữa, bà thì thào với tôi, họ đầu độc sự tồn tại của ông ấy, họ săn đuổi ông ấy, anh biết rồi đấy, khoản này thì họ là các bậc thầy. Chỉ có một cách duy nhất chấm dứt được cái trò đó, bảo đảm cho ông ấy có cuộc sống yên ổn, có khả năng làm việc, sáng tác, dựng kịch. Cách đó là gì? Cần phải vận động cho ông ấy được trao giải thưởng Stalin - nếu ông ấy thành người được giải thưởng thì không một ai dám động đến ông ấy và “Nhà hát Berlin” nữa, anh hiểu không? Anh cần phải giúp tôi, Jorge! Bốn ngày nữa Ban giám khảo sẽ họp! Khoảng thời gian đó là vừa đủ cho cuộc chạy đua vội vã. Chúng tôi bấm ngón tay tính những người ủng hộ và đồng minh - những người sẽ bỏ phiếu cho Brecht có: Neruda - một, bản thân Anna - hai, Ehrenburg - ba, Aragon còn phải xem... Nhưng đến đây Ilya đã phá tan mọi tính toán của chúng tôi: - Tất cả trò này chỉ nhảm nhí! Ðừng tốn thời gian vô ích! Cần phải giành được sự ủng hộ của Saxa - ý nói Fadejev, người trong Uỷ ban giải thưởng đại diện cho sức mạnh ghê gớm không ai địch được - BCH ÐCS Liên Xô. Ông ấy nói sao là được vậy, không ai dám đi ngược lại ý ông ấy. Chỉ cần ông ấy đồng ý giúp là xong. Ông nhấc điện thoại, quay số, hẹn gặp và khuyên Anna: bảo cả Jorge đi cùng, Saxa thích anh ấy lắm. Ðiều đó đúng: Fadejev đối xử với tôi nồng ấm và kính trọng, coi là một đồng chí đứng đắn, không chơi xỏ và đáng được tin cậy. Thế là tôi cùng Anna đi đến gặp tổng thư ký Hội nhà văn Xô-viết để bắt ông ấy vào lưới âm mưu cuả mình. Mọi việc hoá ra đơn giản hơn chúng tôi nghĩ nhiều. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, tác giả Ðội cận vệ thanh niên không chút do dự hứa sẽ giúp đỡ. Ông đưa Brecht vào danh sách “những người đề nghị trao giải” và kèm theo lời giới thiệu của mình trình lên Bộ chính trị xem xét - đây là cấp quyết định cuối cùng. Chẳng lẽ đây là sự thật sao? Tôi không biết, thật khó nói đâu là sự thật, đâu là trò chơi của các quyền lợi. Dù thế này hay thế khác, Brecht đã trở thành người được giải thưởng và các vị sư đảng của CHDC Ðức đã phải để cho ông yên, buông tha ông ra, ngừng quấy rầy ông. “Quấy rầy”?

19

Có lẽ, cái từ đó còn lâu mới nói hết được những sự lăng nhục ông phải hứng chịu, những sự chửi rủa, mắng mỏ đổ xuống người ông. Paris, 1948 Tôi gặp Picasso ở cổng và khi ở trong thang máy tôi cám ơn ông đã đến. “Anh cám ơn tôi vì cái gì nào? - ông mỉm cười. - vì tôi là bạn của Pablo (Neruda) à?” Phòng làm việc của Aragon, hồi ấy ông là tổng biên tập báo Ce Soir, như thường lệ tấp nập các anh em cầm bút có khuynh hướng thiên tả. Các nhà văn đến đây vì sự tốt bụng của đức cha Louis. Ðại diện cho các ÐCS Arhentina, Brazil và Chile, chúng tôi đã bàn định cuộc gặp với Aragon và Picasso để tìm các biện pháp bảo vệ cho Pablo Neruda, người đang bị chịu sự truy nã gắt gao chưa từng có: ông đã bị tước mất quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ, phải trốn tránh ẩn nấp, luôn luôn có nguy cơ bị tống giam. Cần phải hành động ngay. Chúng tôi quyết định mở đầu bằng cách gửi cho tổng thống Chile Gabriel Gonzáles Videla một bức điện phản đối, buộc ông ta phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì có thể xảy đến với Pablo, đòi phải bảo đảm cuộc sống, tự do và an ninh cho nhà thơ. Ký tên vào bức điện này phải là các bậc thầy của văn hoá Pháp để tên tuổi của họ gây được ấn tượng với tên độc tài Chile. Những người cộng sản Mỹ Latin sống ở Paris đi thu thập chữ ký, còn chúng tôi thì soạn văn bản kháng nghị, nó giống như một bản luận tội hay một tối hậu thư nhiều hơn. Bây giờ phải nghĩ xem nên kêu gọi ai để có được một danh sách gồm các tên tuổi lớn ký vào bức điện. Nhưng cái tên đầu tiên tôi nêu lên - Jean-Paul Sartre - thoạt đầu khiến mọi người ngớ ra, sau đổi thành cơn bực dọc. Các chiến hữu của Aragon, những người bị tôi chạm nọc, cười vào mặt tôi: “Sartre ư? Ông ta là kẻ thù của chúng ta! Ông ta không bao giờ ký đâu!”. Vào những năm ấy, quan hệ của bậc thầy chủ nghĩa hiện sinh với ÐCS Pháp xấu đi một cách trầm trọng - các kẻ thù không bỏ lỡ dịp sát muối vào hai bên và đã đạt được kết quả lớn trong chuyện đó. Nhưng tôi mạnh dạn phản đối lại Aragon bởi cho rằng Sartre không từ chối cho chúng tôi chữ ký của mình: dù những sự bất đồng của ông với những người cộng sản có lớn đến đâu, ông vẫn không phải thuộc phe phản động. Aragon nghiến răng, buộc tội tôi là ngu dốt về chính trị, là không nhất quán kiên định, là lung lay lập trường. Tôi không biết trong cơn thịnh nộ của ông cái gì nhiều hơn - tức giận hay khinh bỉ, sự kiên định bảo vệ các quan điểm của đảng nơi ông đã dễ dàng chuyển thành thái độ thô lỗ đối với những ai mưu hại đến các quan điểm đó. Nhưng tôi không hề lùi bước và đề nghị đích thân tôi sẽ đến gặp tên phản bội Sartre và vợ ông ta là Simone de Beauvoir để xin chữ ký vào tài liệu của chúng tôi, bởi vì tôi không một phút nào nghi ngờ là tôi sẽ xin được các chữ ký của họ. Tôi đề nghị đánh cuộc. Aragon vẫn giữ thái độ cay độc như cũ, nhưng cơn bực bội đã có phần dịu xuống, chấp nhận: về phần mình ông hoàn toàn tin rằng tôi sẽ không nhận được một chữ ký nào và nói chung là không nhận được cái gì cả, ngoài sự từ chối thẳng thừng, dứt khoát. “Hãy để việc này cho anh một bài học: khi anh quay về với hai bàn tay không, tôi hy vọng sẽ được

20

nghe anh, thưa đồng chí, nói lời tự phê bình về sự quá tự tin của mình”. Chủ nghĩa hiện sinh và tự phê bình - đó là hai từ đang “mốt” nhất thời ấy. Tôi chỉ được gặp Sartre mỗi một lần - tại nhà xuất bản, nơi chuẩn bị cho ra các vở kịch của ông và đồng thời bản dịch cuốn tiểu thuyết Miền đất bao la của tôi. Người ta giới thiệu tôi với ông, ông tỏ ra quan tâm, khen ngợi cuốn Miền đất - tôi đọc rồi, được đấy, tôi thấy thích - nghe những lời đó tôi phổng mũi lên, bởi thói hiếu danh bắt tôi phải tin vào chúng. Giống như tất cả những người ham mê văn học, tôi cũng biết được các thói quen của Sartre biết ông thường xuyên ăn trưa tại một tiệm quen, nơi đó có một cái bàn cố định dành cho ông và Simone. Vậy là tôi đưa chân tới đó. Ông nhận ra tôi, điều này lại thêm một lần ve vuốt thói kiêu hãnh của tôi, và khi tôi nói về những nỗi khổ nhục của Neruda rồi chìa văn bản bức điện ra thì không do dự một giây ông ký ngay và chuyển tờ giấy sang cho vợ. Tôi rối rít cám ơn, gần như là cúi gập người lại - niềm vui dâng tràn trong tôi, tối ấy ở Paris chắc không có người nào sung sướng hơn tôi. Vẫn tại căn phòng làm việc của báo Ce Soir ba người cộng sản Mỹ Latin lại đến để trao cho Aragon các chữ ký chúng tôi đã thu thập được. Vô địch tuyệt đối là Zélia: trong danh sách của nàng có đến gần nửa hạ viện và cố nhiên các thượng nghị sĩ da đen in corpore (có đủ mặt). Còn tôi cố không để lộ sự hân hoan quá mức - tôi là ai mà dám vui mừng độc địa?! - khiêm tốn đặt tờ giấy có chữ ký của Sartre và Simone de Beauvoir xuống. Aragon cầm bức điện lên, lắc đầu như ngầm tự phê bình, và đề nghị: “Họ tên ông ta phải để lên đầu danh sách”. Ồ không, đứng đầu danh sách phải là tên họ tác giả “Les Yeux d’Elsa” (“Ðôi mắt Elsa”, tên một bài thơ của L. Aragon - ND) - tôi thuộc lòng bài thơ đó, - hội đồng hồng y giáo chủ khăng khăng: “Không, Louis ạ, đầu tiên phải là anh, sau đó đến ông ấy”. Từ đó chúng tôi kết bạn với Sartre và Simone - cùng nhau đi du lịch khắp châu Âu, xuyên khắp Brazil từ nam lên bắc, năm 1950 ông công bố trên tạp chí Temps Modernes cuốn tiểu thuyết Cacao của tôi, năm 1961 đến lượt cuốn Hai cái chết của Quincas đẫm nước. Còn đâu như vào những năm 70 chúng tôi có lần ăn trưa tại cái tiệm quen của ông và Jean-Paul đã cho tôi hay là ông biết việc đánh cuộc của tôi với Aragon - ai đó trong số các đức cha đã tiết lộ. Chẳng biết có nên tin ông hay không?

-------------------------------Miguel Angel Asturias (1899-1 974), nhà văn và nhà ngoại giao 1 Goatemala, giải thưởng Nobel 1967. 2 Anna Seghers (1900-1983): nhà văn Ðức nổi tiếng. Bertolt Brecht (1898-1956): nhà thơ, nhà viết kịch Ðức nổi 3 tiếng. Andrei Zhdanov (1894-1948): người lãnh đạo tư tưởng văn hóa 4 Liên Xô thời Stalin.

21

22

Table of Contents Bìa Sách Hải Trình Ven Bờ - Jorge Amado Chương 1 Chương 2 Chương 3

23

22 1 2 8 15

Get in touch

Social

© Copyright 2013 - 2024 MYDOKUMENT.COM - All rights reserved.